THỦ ĐOẠN BÁN ĐẤT SAU 11 NĂM… “LẬT KÈO”

Quyết định của TAND cấp cao tại TP.HCM, hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM và bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh, giao về cho TAND huyện Bình Chánh xét xử lại từ đầu.

20/08/2023 14:02:40 +07:00

Tới đây, TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ra xét xử sơ thẩm lần 2. Nguyên đơn đã ký giả chữ ký để “lật kèo” sau 11 năm bán đất.   

Quyết định của TAND cấp cao tại TP.HCM, hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM và bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh, giao về cho TAND huyện Bình Chánh xét xử lại từ đầu.
Quyết định của TAND cấp cao tại TP.HCM, hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM và bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh, giao về cho TAND huyện Bình Chánh xét xử lại từ đầu.

“Lật kèo” vì đất tăng giá?

Đầu năm 1999, ông Trương Văn Than và bà Nguyễn Thị Phượng (ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) bán cho bà Võ Thị Hồng Cúc (ngụ quận Tân Phú) một mảnh đất diện tích khoảng 4.000 m2, ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) với giá 20 cây vàng. Ông Than bà Phượng bàn giao đất cùng bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Bình Chánh cấp ngày16/11/1998 cho bà Cúc.

Ngày 04/ 6/1999 bà Cúc bán cho bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (ngụ quận Tân Bình) mảnh đất trên với giá 32 cây vàng. Do bà Cúc chưa sang tên mình nên nhờ ông Than bà Phượng ký chuyển nhượng cho bà Nguyệt, hợp đồng được UBND xã Vĩnh Lộc A chứng thực. Sau đó, bà Nguyệt tiến hành làm thủ tục sang tên theo quy định. Ngày 04/9/2008 UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyệt và ông Xuân (chồng bà Nguyệt). Ông Xuân bà Nguyệt sử dụng ổn định từ tháng 6/1999 đến nay.

Năm 2010 ông Than, bà Phượng kiện bà Cúc ông Xuân và bà Nguyệt ra TAND huyện Bình Chánh, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng bà Nguyệt trước đó ký tại UBND xã Vĩnh Lộc A, và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Bình Chánh cấp cho ông Xuân bà Nguyệt. Lý do đề nghị tòa hủy vì bà Cúc chưa trả hết tiền, ông Than nộp cho tòa giất đặt cọc có chữ ký của bà Cúc và đất hộ gia đình nhưng một mình bà Phượng ký chuyển nhượng.

Tại tòa, bà Cúc chứng minh đã trả đủ 20 cây vàng cho ông Than bà Phượng, có sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Lắng (ngụ xã Vĩnh Lộc A cũng là người giới thiệu bà Cúc mua đất của ông Than bà Phượng). Ngoài ra, ông Than cho rằng chữ ký của bà Phượng trong hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyệt được lập tại UBND xã Vĩnh Lộc A là chữ ký giả. Về việc này, người làm chứng khẳng định do bà Phượng không biết chữ nên ông Than ký thay bà Phượng. Đáng nói. Khi ông Xuân đế nghị giám định, thì ông Than bà Phương có đơn xin từ chối giám định.

Kết luận giám định khẳng định ông Than ký chữ ký giả của bà Cúc làm cơ sở khởi kiện.
Kết luận giám định khẳng định ông Than ký chữ ký giả của bà Cúc làm cơ sở khởi kiện.

Đặc biệt, ông Than ký giả chữ ký của bà Cúc ở giấy đặt cọc làm cơ sở khởi kiện đòi đất của bà Cúc và ông Xuân bà Nguyệt. Theo kết quả giám định số 313/KLGĐ-TT, ngày 19/5/2011, của phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM kết luận: “…không do cùng một người ký ra…”.

Hai bản án sơ và phúc thẩm bị hủy

Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Bình Chánh và TAND TP.HCM nhận định chủ quan, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Than bà Phượng. Hai cấp tòa nhận định bà Cúc không chứng minh được việc giao 20 cây vàng cho gia đình ông Than bà Phượng. Ngược lại, cả hai cấp tòa đều không xem xét băng ghi âm của ông Xuân bà Cúc đã chứng minh bà Cúc đã trả đủ 20 cây vàng cho ông Than bà Phượng. Chú ý hơn, hai cấp tòa bỏ qua việc ông Than bà Phượng đã ký giả chữ ký của bà Cúc ở giấy đặt cọc để làm cơ sở khởi kiện đòi đất của ông Xuân bà Nguyệt và bà Cúc, đây là hành vi gian dối của ông Than nhằm đòi lại đất sau nhiều năm đã bán. Đáng chú ý, TAND huyện Bình Chánh và TAND TPHCM, cho rằng đất cấp cho hộ gia đình, nhưng chỉ mình ông Than ký chuyển nhượng là không phù hợp pháp luật để làm căn cứ giải quyết vụ án. Nhưng lại quên rằng lúc gia đình ông Than bà Phượng ký hợp đồng bán đất cho bà Nguyệt, hai người con đều dưới 17 tuổi.

Đặc biệt, đại diện UBND xã Vĩnh Lộc A có ý kiến tại tòa, việc chuyển nhượng đất giữa ông Xuân bà Nguyệt và ông Than bà Phượng có xác nhận của UBND xã Vĩnh Lộc A ngày 04/6/1999, sau đó UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Xuân bà Nguyệt là đúng quy định pháp luật.

Từ việc nhân định chủ quan của hai cấp tòa sơ và phúc thẩm đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Than bà Nguyệt, hủy hợp đồng mua bán đất giữa bà Phượng và bà Nguyệt lập ngày 4/6/1999 tại UBND xã Vĩnh Lộc A; thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Bình Chánh đã cấp cho ông Xuân bà Nguyệt. Ngày 05/03/2018 Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã ban hành Quyết định kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 615/2014/DSPT ngày 12/5/2014 TAND TP.HCM theo thủ tục giám đốc thẩm. Đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm, theo hướng hủy Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM và bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh.

Ngày 27/8/2018 TAND cấp cao tại TP.HCM, tuyên xử hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 615/2014/DS-PT ngày 12/5/2014 của TAND TP.HCM và bản án dân sự sơ thẩm số 126/2013/DS-ST ngày 07/11/2013 cuả TAND huyện Bình Chánh. Giao hồ sơ cho TAND huyện Bình Chánh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Rõ ràng, việc mua bán đất giữa ông Than bà Phượng và bà Nguyệt đã được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận cho ông Xuân bà Nguyệt hoàn toàn đúng pháp luật. Tuy nhiên, ông Than bà Phượng ký giả chữ ký của bà Cúc ở giấy đặt cọc làm cơ sở khởi kiện đòi đất sau 11 năm bán đất, không chỉ trái với đạo đức còn có dấu hiệu của tội làm giả tài liệu. Đáng buồn hơn, hai cấp tòa khi xét xử lại chưa làm đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án là điều đáng trách. Hậu quả làm thiệt hại cho cả nguyên đơn, bị đơn và người làm chứng.

HOÀI NAM