Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Hào khí Cách mạng Tháng Tám luôn thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Bình Dương vững bước tiến lên

06/09/2023 13:34:33 +07:00

Tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương) là một trong những nơi có phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm. Cùng với cả nước, công tác chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám được tiến hành khẩn trương, chu đáo để tập hợp quần chúng vùng lên giành chính quyền, lật đổ chế độ thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến, cùng xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Theo các tài liệu còn lưu giữ, tại Thủ Dầu Một, trong những ngày tháng Tám năm 1945, giữa ta với địch đan xen nhau trên các địa bàn quan trọng. Khi đó được tin ta giành chính quyền Hà Nội, Huế, và Long An, càng làm cho cao trào cách mạng ở đây tiếp tục phát triển mạnh hơn và đẩy kẻ thù vào thế cô lập. Ở tỉnh lỵ và các quận có dấu hiệu cho thấy quân đội Nhật đang hoang mang cao độ: chôn dấu vũ khí, lệnh cấm binh sĩ không cho ra khỏi đồn bót, doanh trại; vài sĩ quan ở thành Phú Hòa, thành Thang Đá tự mổ bụng khi được tin Nhật Hoàng đầu hàng Đồng minh; hầu hết mong muốn sớm được trở về nước, số ít bỏ ngũ trốn ra dân để theo Việt Minh. Tổ chức chính quyền tay sai tan rã dần, số người còn lại hoạt động chỉ là hình thức.

Thành Thang Đá (nay là Trường sĩ quan công binh) đường Bạch Đằng, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Tỉnh ủy chỉ đạo cho cán bộ, đảng viên, và cán bộ Cứu quốc đẩy mạnh công tác binh vận trong cảnh sát và cộng hòa vệ binh, đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền cổ động toàn dân khởi nghĩa trên khu vực Phú Cường, Phú Thọ, Phú Hòa, Chánh Hiệp, trọng điểm là Phú Cường. Ở Đềpô xe lửa Dĩ An và các làng chung quanh, chi bộ đảng đứng ra thống nhất chương trình hoạt động của Thanh niên Tiền phong và Thanh niên Cứu quốc. Họ được luyện tập quân sự, nghe thời sự chiến tranh và học chính trị, do đồng chí Đào Sơn Tây và các anh Trần Thắng Minh, Trần Ngọc Cảnh, Nguyễn Duy Nghĩa phụ trách và đông đảo những cán bộ Cứu quốc, Hội truyền bá Quốc ngữ, Thanh niên Tiền phong làm công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền bao gồm: nêu cao khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chính phủ cộng hòa dân chủ”, “Chính quyền về tay Việt Minh” và những tin chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân Đồng Minh, tin thất bại của phát xít Đức, Ý, Nhật… Hình thức hoạt động bao gồm tuyên truyền miệng, tổ phát loa, dạ hội biểu diễn ca kịch lịch sử, ca khúc thanh niên yêu nước, đội múa lân người Việt, người Hoa đi cổ động và hô khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh”…

 Khi nghe tin hai cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Huế và Long An ngày 23-8-1945, đồng bào và anh chị em thợ rất phấn khởi. Họ tổ chức mít tinh, diễn thuyết, đánh mõ tre, đánh trống đình Đồng Yên và chuẩn bị khởi nghĩa tại chỗ, các sở cao su Lộc Ninh, Hớn Quản, Phước Hòa, Dầu Tiếng, chủ sở Pháp cùng bọn cai xếp ác ôn tuy vẫn còn điều hành mọi việc nhưng không dám tỏ thái độ đe dọa hoặc trừng phạt công nhân như trước. Các sở cao su đều có đội tự vệ công nhân luyện tập quân sự, canh gác các cuộc mít tinh, không cho bọn khiêu khích lẻn đến phá hoại, vận động, tổ chức đồng bào dân tộc và anh chị em công nhân tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa.

Ngày 23-8-1945, khí thế làm chủ của lực lượng Việt Minh đang lên ở các quận lỵ và tỉnh lỵ. Trên các đường phố, chợ chỉ có các đội tự vệ bán vũ trang làm nhiệm vụ duy trì trật tự. Hội cứu quốc vận động đồng bào may sắm cờ đỏ sao vàng, làm băng rôn, viết khẩu hiệu và sẵn sàng khởi nghĩa.

Trước đó, Lương Sơ Khai, tỉnh trưởng Thủ Dầu Một và Đỗ Văn Công, quận trưởng Châu Thành, đã lặng lẽ rời khỏi tỉnh lỵ trở về quê quán, còn lại nhiều quan chức, viên chức của chính quyền tỉnh, quận, làng hầu hết hướng về Việt Minh. Ông Nguyễn Minh Chương, cử nhân luật từ phó tỉnh trưởng lên tỉnh trưởng thay cho Lương Sơ Khai, cũng không đến tòa hành chính, chỉ ở nhà và sau đó gia nhập vào hàng ngũ Việt Minh.

Trong khi đó, toàn bộ quân Nhật đang đồn trú tại đây, đã ở trong tình thế bị nhân dân ta khống chế. Viên quan năm chỉ huy có ra lệnh giới nghiêm nhưng không phải để sẵn sàng đi đàn áp Việt Minh mà chủ yếu là để tự vệ nếu bị tấn công.

Dinh tỉnh trưởng Thủ Dầu Một – Bình Dương (ảnh tư liệu)

Trong những ngày từ 19 đến 23-8-1945, ở Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An, địch đang trên đà suy sụp, rệu rã. Thế ta mạnh, lực ta đông, làm chủ tình hình ở những vị trí xung yếu trên toàn tỉnh. Lực lượng cách mạng chỉ còn chờ lệnh khởi nghĩa phát ra là sẽ bùng lên một cuộc đấu tranh sôi nổi, giành lấy chính quyền về tay nhân dân.

Đêm 23-8-1945, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng được tổ chức tại chợ Bưng Cầu thuộc làng Tương Bình Hiệp, do đồng chí Văn Công Khai, bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Tỉnh ủy viên như Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung và bí thư chi bộ thuộc các quận Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát…

Đồng chí Văn Công Khai bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (1943-1945)

Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng nhằm quán triệt Nghị quyết Xứ ủy về Tổng khởi nghĩa toàn Nam kỳ. Các đại biểu hoàn toàn nhất trí với Nghị quyết đã đề ra những vấn đề quan trọng như: lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Hội nghị Tỉnh ủy kêu gọi cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cứu quốc, đơn vị tự vệ, đồng bào hãy đoàn kết, nhất trí giành chính quyền nhanh, gọn, thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25-8-1945. Đây cũng là nguyên tắc cao nhất cuộc khởi nghĩa.

Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở các quận trong tỉnh ngày 24-8-1945, đêm 24-8 lực lượng cách mạng ở các làng, các quận rầm rập tiến về thị xã. Lúc này, trong nội ô thị xã, nhân dân đã treo cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, dán khẩu hiệu ở khắp các đường phố, chợ, v.v… Có thể nói lúc này các tầng lớp xã hội đã chuyển mình, tinh thần quyết tâm giành độc lập đang dâng cao hơn bao giờ hết.

Từ giữa đêm trở đi, quần chúng tham gia khởi nghĩa của các quận Hớn Quản, Bến Cát, Lái Thiêu, Châu Thành đi theo đội ngũ từng làng, lần lượt tiến vào thị xã.

Đến rạng sáng ngày 25-8, đội ngũ các Hội Cứu quốc và đồng bào đã đứng chật trên 20 đường phố lớn, nhỏ của thị xã bao gồm 2 vạn người của hơn 10 làng quận Châu Thành, 3 vạn người các quận Lái Thiêu, Bến Cát, cùng hơn 500 cán bộ chiến sĩ các đơn vị bán vũ trang.

Đến 7 giờ, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trọng thể trước tòa thị chính quận Châu Thành (nhà việc Phú Cường). Sau khi làm lễ chào cờ, đồng chí Văn Công Khai – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa đọc diễn văn, tuyên bố chính quyền về tay nhân dân.

Toà Thị chính quận Châu Thành (Nhà việc Phú Cường) nơi diễn ra cuộc mít tinh ngày 25/8/2045 năm 1926 (ảnh tư liệu).
Toà Thị chính quận Châu Thành (Nhà việc Phú Cường) nơi diễn ra cuộc mít tinh ngày 25/8/2045 nay là Nhà Truyền thống thành phố Thủ Dâu Một (ảnh Lê Xinh)
Bia lưu niệm sự kiện 25/8/1945 (ảnh Lê Xinh)

Trong cuộc mít tinh, quần chúng khởi nghĩa hô vang các khẩu hiệu:“Chính quyền về tay Việt Minh”; “Việt Nam độc lập muôn năm”; “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”

Sau cuộc mít tinh, quần chúng khởi nghĩa tiến hành cuộc diễn hành suốt mấy giờ liền trên các đường phố. Hàng vạn người cầm trong tay cờ, gậy tầm vông vạt nhọn, có người cầm súng hô vang các khẩu hiệu, xen lẫn với lời ca tiếng hát sôi sục của nam nữ thanh niên.

Kết thúc cuộc diễn hành, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban khởi nghĩa, các đoàn đi tiếp thu các cơ quan hành chính, tòa án, cảnh sát, đồn cộng hòa vệ binh, khám đường (trại giam), kho bạc, các nhà máy điện, nước, bưu điện…

Như vậy, trong ngày 25-8-1945, Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một đã giành chính quyền thắng lợi cùng ngày với thành phố Sài Gòn và 15 tỉnh bạn ở Nam Kỳ.

Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đã mở ra trang sử mới trong lịch sử của nhân dân trong tỉnh, đồng thời đã tạo ra những tiền đề quan trọng để nhân dân trong tỉnh bước đầu vào giai đoạn cách mạng tiếp theo, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

          Kỷ niệm 78 năm Tỉnh ủy lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại Thủ Dầu Một, cán bộ và nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một – Bình Dương luôn tự hào với truyền thống vẽ vang của các thế hệ cha ông đi trước đã ghi dấu son sáng chói vào lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một – Bình Dương. Nêu gương những những bậc tiền nhân, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã xây dựng Bình Dương từ một tỉnh nghèo nàn lạc hậu trở thành tỉnh nằm vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, theo đó, tỉnh đã xây dựng 29 khu công nghiệp rải đều các huyện, thị, thành phố, với 12 cụm công nghiệp. Năm 2022, tỉnh hút vốn đầu tư trong nước 96.722 tỷ đồng vốn đăng ký với 6.024 DN đăng ký mới (lũy kế tỉnh có 58.484 DN với tổng vốn đăng ký là 627 ngàn tỷ đồng). Đầu tư nước ngoài trên 3 tỷ USD từ nguồn FDI (lũy kế đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 39,7 tỷ USD), đứng thứ 2 cả nước chỉ sau TP.HCM, GRDP bình quân đầu người đạt trên 166 triệu đồng, tổng thu ngân sách đạt hơn 61 ngàn tỷ đồng và đang tiến hành các hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế với các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Đặc biệt,việc kết nối giao thông vù vùng trọng điểm kinh tế phía Nam với các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh, trong đó, phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3,Vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; xây dựng danh mục dự án giao thông ưu tiên bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 và sau năm 2025; nghiên cứu đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các vị trí, kết nối với thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh); thỏa thuận các vị trí kết nối giao thông giữa thành phố Tân Uyên, thành phố Dĩ An với các địa phương của tỉnh Đồng Nai…

Đại lộ Hùng Vương thành phố mới Bình Dương ngày nay (ảnh tư liệu)

                   Lê Xinh