ĐỔI THAY TRÊN QUÊ HƯƠNG CÁCH MẠNG TÂN TRÀO

07/09/2023 08:09:34 +07:00

Tân Trào – căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Đã 78 năm trôi qua, ký ức về những sự kiện lịch sử ấy vẫn in đậm trong lòng mỗi người dân Tân Trào và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) hôm nay đang chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tháng 5/1945, trước những diễn biến mau lẹ và yêu cầu của tình hình cách mạng, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trở thành “di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”

Cụ Hoàng Ngọc, một trong số nhân chứng còn lại từng chứng kiến những sự kiện lịch sử của dân tộc diễn ra trên mảnh đất này vào mùa thu năm 1945. Trong ký ức của cụ, thời điểm đó, hầu hết các gia đình trong thôn Tân Lập đều có cán bộ về ở nhờ. Mặc dù, lúc ấy cuộc sống của người dân trong thôn vô cùng khó khăn, nhưng không ai ngại khó, ngại khổ, mà nhà nhà đều góp gạo, góp muối… để nuôi cán bộ cách mạng. dù tuổi đã cao, nhưng nhắc lại sự kiện lịch sử, giọng cụ vẫn vang vang, khí thế

Cụ Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang kể lại: Chiều ngày 16/8 bác Võ Nguyên Giáp lấy quân từ trường quân chính kháng nhật tiền thân của trường sĩ quan lục quân bây giờ, đưa quân ra tập hợp ở Tân Trào. Hàng ngũ nghiêm chỉnh và hát vang những bài hát cách mạng sau đó hát bài Tiến quân ca. Tiếp đến bác Võ Nguyên Giáp đọc bản quân lệnh số 1 để xuất quân, đọc quân lệnh số 1 xong bác bắn 3 phát súng lục làm hiệu lệnh. Với khí thế hừng hực, đoàn quân bắt đầu xuất quân do bác Đàm Quang Trung vác lá cờ đỏ sao vàng đi trước.

Làng Tân Lập nơi chở che cho cách mạng những năm 1945

Không khí ngày hôm đó là không khí cách mạng đương sôi sục để mà lấy lại đất nước vì độc lập. Cũng như bác hồ đã nói trên lán, “Thời cơ đã đến, dù phải hi sinh gian khổ đến mấy, dù có phải đốt cháy cả dãy trường sơn chúng ta phải quyết dành độc lập tự do, cho nên mọi người vâng lời bác, khí thể hừng hực cứ tiến lên để mà dành lấy chính quyền, chuẩn bị tổng khởi nghĩa, từ quân đến dân mặt mũi phấn khởi hồ hởi, tin tưởng vào cách mạng, tin vào Đảng, nhà nước, nhất là Bác Hồ.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào hôm nay đang nỗ lực, đoàn kết xây dựng quê hương, khí thế sục sôi trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm xưa, nay đã thành khí thế lao động sản xuất…

Thôn Bòng xã Tân Trào có 177 hộ dân, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày với 75%. Kinh tế chủ yếu của người dân ở đây là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tư duy sản xuất  của người dân trong thôn đã có nhiều thay đổi.

Ông Ma Văn Yên, Trưởng thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Nhân dân đã có hướng phát triển kinh tế, bà con đã đưa một giống cây có hiệu quả và kinh tế cao làm cây xóa đói, giảm nghèo. Với phương châm xây dựng nông thôn mới trên vùng quê hương cách mạng, bà con nhân dân rất chịu khó, cần cù để làm ăn làm cho cuộc sống ngày một nâng lên, thu nhập ngày càng cao.

Flamingo Tân Trào – Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp hai bên dòng sông Phó Đáy

Gia đình chị Hoàng Thị Phong từng là một hộ nghèo, cả gia đình 4 khẩu trông vào mảnh đồi cằn chỉ trồng được ngô và sắn. Qua xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị biết đến cây thanh long có sức sống cao là loại cây trồng phù hợp với đất đai của gia đình. Năm 2009, chị mạnh dạn đầu tư làm đất, trồng mới gần 800 gốc thanh long ruột trắng. Chị cũng là người đầu tiên  đưa cây thanh long về trồng ở thôn Bòng. Sau 3 năm trồng cây thanh long. Nhận thấy, đây là cây trồng cho thu nhập cao. Chị tiếp tục trồng thêm hơn 1000 cây thanh long ruột đỏ. Đến nay vườn thanh long của gia đình chị đã trồng trên 2000 gốc.

Chị Hoàng Thị Phong, dân tộc Nùng, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang chia sẻ: Gia đình chị trước đây rất là nghèo, sau khi xem trên đài báo, có cái cây thanh long trồng có hiêu quả, kinh tế cũng ổn nên gia đình đã chọn cây thanh long để vươn lên làm giầu. Diện tích đất này, trước đây trồng trồng ngô với sắn không hiệu quả mà mỗi một cây sắn chi có 1, 2 củ không có một chút kinh tế nào. Sau khi gia đình tôi trồng cây thanh long này được 3 năm, kinh tế đã vươn lên rõ rệt, làm được nhà, mua được xe, con cái cũng đi học, gia đình từ đấy cũng thoát nghèo. Mỗi năm cây thanh long cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả. Với giá thanh long giao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg gia đình tôi cũng thu về trên 250 triệu đồng/năm.

Sau khi cán đích nông thôn mới, Tân Trào đang có những bước phát triển rõ rệt. Với tinh thần cách mạng, chính quyền và nhân dân xã Tân Trào tiếp tục duy trì và phát huy các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được. Cấp ủy chính quyền địa phương của xã Tân Trào xác định khi đạt được các tiêu chí nông thôn mới đã là khó, nhưng mà giữ được các tiêu chí và đồng thời nâng cao được chất lượng các tiêu chí lại là một cái hết sức khó khăn.

Cây đa Tân Trào địa chỉ đỏ mỗi khi du khách đến thăm quan

Theo ông Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân trào: Những năm qua, nhằm duy trì và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, xã đã dẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; vận động người dân trong dộ tuổi lao động, đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; xây dựng phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa phương nhân ra diện rộng. nuôi cá lồng bè, nuôi ong lấy mật, trồng thanh long, trồng chè đặc sản… Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thông kên mương thủy lợi, xây dựng đường điện thắp sáng vùng quê.

Nhờ đó, thu nhập của người dân trên địa bàn xã tăng đều qua các năm, năm sau cao hơn năm trước, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Hiện xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2 %; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm. 100% số thôn đạt “Làng văn hóa”, trên 90% hộ dân đạt “Gia đình văn hóa”; 95% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên…

Ông Hoàng Đức Soài cho biết thêm: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, vận động nhân dân duy trì và nâng cao 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn; lựa chọn thôn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, chọn hộ điểm làm mô hình vườn mẫu để rút kinh nghiệm nhân diện rộng; thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền địa phương sẽ tập chung  vào hai tiêu chí thu nhập và môi trường, vì hai tiêu chí này là hai tiêu chí động. Tập chung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đồng thời xây dựng những cánh đồng mẫu lớn để tập trung sản xuất hàng hóa và nâng cao sản phẩm thương hiệu gạo đặc sản Tân Trào, chè đặc sản Tân Trào.

Xã Tân Trào phấn đấu đến năm 2025: Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; giới thiệu việc làm cho 150 người/năm, đi lao động tại các khu công nghiệp trong nước; số người qua đào tạo nghề đạt 75%; duy trì, giữ vững thành quả nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…Người dân ở Tân Trào hôm nay luôn đoàn kết, nỗ lực để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của huyện Sơn Dương./.

Đức Anh