Ứng xử có văn hóa là điểm 10 cho sự thành công

17/11/2023 07:59:53 +07:00

Người ta thường nói “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” nên ứng xử có văn hóa là điều cần thiết nhất trong cuộc sống của xã hội bây giờ.

Với thời đại 4.0 xã hội ngày càng phát triển, con người chạy theo danh lợi mà quên mất đi cách ứng xử có văn hóa cái vốn có của con người.

Trong môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, bên cạnh việc sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp làm việc nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn thì có một cách khá tốt để xây dựng giá trị bản thân đó là hình thành những thói quen, lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự chốn công sở.

 Xây dựng văn hóa công sở chính là xây dựng một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Từ đó tạo bầu không khí cởi mở giúp nhân viên hứng khởi làm việc đưa chất lượng và hiệu quả công việc lên cao.

Hiện nay vẫn tồn tại khá nhiều hạn chế trong văn hóa công sở như: đi làm muộn, đi họp muộn, nói chuyện riêng trong giờ họp, trang phục không phù hợp khi đến công sở, tác phong làm việc không chuyên nghiệp, chưa giữ vệ sinh chung, hút thuốc lá, thiếu ý thức trách nhiệm với công việc được giao và đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, đến đồng nghiệp.

Ở một số nơi do tinh thần tự quản, tự giác của nhân viên còn thấp, do tính ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác, thiếu nhiệt tình, nhiệt huyết trong công việc, tâm lý làm cho có làm, làm cho xong việc… Một số ít là do chưa biết nhận thức phải làm như thế nào để có những hành vi, ứng xử văn minh, lịch sự nơi công sở.

Một số ý kiến nhỏ được rút ra từ thực tế nơi công sở phần nào hạn chế bớt những mặt chưa được trong thực hiện văn hóa công sở tại nơi làm việc như sau:

– Đến công sở làm việc ăn mặc phải gọn gàng, phù hợp, đi đứng nhẹ nhàng, đặc biệt tránh đi giầy dép tạo ra tiếng ồn quá lớn làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung.

– Luôn ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp bàn làm việc, phòng làm việc, giữ vệ sinh công sở sạch như giữ vệ sinh ở chính nhà mình.

– Không lạm dụng máy tính cơ quan vào những trò tiêu khiển trong giờ làm việc, vừa ảnh hưởng đến năng suất công việc, vừa tạo thói quen xấu cho bản thân.

– Điện thoại nên để ở chế độ rung hoặc im lặng, tránh gây tiếng ồn ảnh hưởng đến đồng nghiệp và ảnh hưởng đến không khí làm việc yên tĩnh tại cơ quan.

– Gõ cửa trước khi vào phòng sếp hay bất kỳ phòng nào khác.

– Không buôn chuyện; không tạo bè kéo cánh để tranh chức, tranh quyền; tránh thái độ xun xoe với người trên, hách dịch với người dưới, tránh lấy cớ vì hiệu quả công việc mà cố tình không thừa nhận năng lực gây khó dễ cho những thành viên khác, đặc biệt là người mới đến làm việc tại cơ quan. Người đi trước phải dẫn dắt người đi sau, chỉ bảo và giúp họ tiến bộ.

Hình minh hoạ: Ứng xử có văn hoá để hướng tới sự thành công (nguồn ảnh Internet)

Phong trào xây dựng văn hoá công sở một số giải pháp

 1- Tạo sự hoà đồng

Công sở là nơi làm việc chung với nhiều người có trình độ, tính cách hoàn toàn khác biệt. Thời gian chúng ta đi làm tiếp xúc với đồng nghiệp đôi khi còn nhiều hơn cả người thân gia đình. Do vậy, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết. Hãy hoà đồng, nhiệt tình giúp đỡ mọi người trong công việc cũng như sẵn sàng tiếp nhận góp ý xây dựng của đồng nghiệp để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn. Luôn giữ vững nguyên tắc “lấy công việc làm trọng”, không để những việc vặt vãnh cá nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

– Hãy xem môi trường làm việc như một ngôi trường lớn để học hỏi, rèn luyện kỹ năng, gom góp kinh nghiệm cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân.

– Nở nụ cười và lời chào thân thiện với đồng nghiệp.

– Hãy đối xử với nguời khác như cách bạn muốn người ta đối xử với bạn. Nếu bạn đối xử trân trọng và quan tâm với đồng nghiệp, họ khó có thể làm điều ngược lại đối với bạn.

2- Giữ hoà khí nơi làm việc

Tạo môi trường làm việc tích cực

-Muốn có những đồng nghiệp tốt, thì trước hết bạn phải là một đồng nghiệp tốt của họ. Đừng đỏi hỏi họ phải đối xử với bạn như thế nào mà bạn phải xem lại thái độ của mình với từng đồng nghiệp.

-Luôn cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, biết giữ lời hứa, chia sẻ những thành tích, ý kiến, đóng góp với mọi người sẽ góp phần tạo nên một môi trường làm việc vui vẻ, hiệu quả công việc cao, thắt chặt tình đoàn kết với mọi người.

Trần Thanh Thảo