CHUYỆN VỀ VỊ HÒA THƯỢNG CẦM – KỲ – THI – HỌA

19/09/2023 11:22:47 +07:00

Là một nhà sư nhưng Hòa thượng Thích Huệ Văn lại có nhiều tài năng trong các lĩnh vực thơ ca, đàn nhạc và đặc biệt là hội họa. Những bức tranh tường và đức Phật trong chùa đều do ông vẽ. Hòa thượng còn có thể vẽ tranh Bác Hồ giống tới 99% và ông đã có 1 bức chân dung Bác Hồ được đưa xuống đường diễu hành mừng ngày giải phóng miền Nam, 30/4/1975.

Hòa thượng Huệ Văn và bức họa “dưới gốc bồ đề” ở trên tường chính điện

Nhà sư đa tài

Hòa thượng Thích Huệ Văn tên khai sinh là Nguyễn Văn Chủng, sinh năm 1949, quê ở huyện Củ Chi. Mới vừa 4 tuổi, Chủng đã mồ côi cha. Khi mới vừa chín tuổi đã chuyên tâm vào chùa tu tập. Ngôi chùa ban đầu Chủng đến tu học là chùa Gò Kén (Tây Ninh) vì Chủng có 1 người chú ruột xuất gia tại đây. Năm 1960, Chủng xuất gia và được ban pháp danh là Thích Huệ Văn.

Năm 1965, nhà sư trẻ Thích Huệ Văn 1 mình xuống Sài Gòn và sau đó được sư thầy Thích Đạt Hảo đưa về chùa Pháp Quang ở quận 8 tu học. Từ lúc tới Sài Gòn, sư đã theo học hội họa ở Hội Việt-Mỹ. Vì việc học đạt kết quả xuất sắc, sư được nhận học bổng. Những ngày tu ở chùa Pháp Quang, sư Huệ Văn luôn dành tâm trí của mình cho hội họa. Nhiều chùa chiền, tư gia mời sư về vẽ trang trí.  Ngoài ra sư Huệ Văn còn biết sáng tác thơ ca, biết đàn hát. Sư có thể chơi được rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

Năm 1968, sư Huệ Văn được các cán bộ cách mạng liên quận 7-8 nhờ viết truyền đơn và băng rôn cho các phong trào ủng hộ cách mạng, cũng từ đó sư bắt đầu đi theo cách mạng. Sư Huệ Văn chia sẻ: “Gia đình ông vốn có truyền thống cách mạng, Người anh thứ 4 của tôi đi theo cách mạng. Mẹ tôi làm việc ở Ban hậu cần của Mặt trận giải phóng và đã hy sinh khi tôi mới 15 tuổi. Tôi đi tu từ nhỏ, không màng chính sự. Nhưng thấy gia đình mình và nhiều gia đình khác đã trải qua nhiều mất mát, tôi tự hỏi mình có thể vô can? Nếu làm được gì cho nền hòa bình, tôi sẽ làm. Do đó tôi tích cực tham gia viết bằng rôn, truyền đơn cho cách mạng”.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, sư Huệ Văn tìm vào căn cứ ở Bình Dương thăm anh trai thứ 4 là đội trưởng Đội Tuyên truyền giải phóng quân. Đó là một cuộc gặp gỡ đầy xúc động. Hai anh em ôm chầm lấy nhau khóc vì một thời gian dài bặt tin nhau. Nhà sư kể: “Trong cuộc gặp mặt đó, anh Tư kể rất nhiều những câu chuyện về Bác với lòng yêu kính vô bờ. Anh nói khi nào có hòa bình, nước nhà thống nhất, anh sẽ ra thăm quê Bác. Anh Tư đã đưa cho tôi một bức ảnh Bác Hồ. Đó là bức ảnh được cắt từ tờ báo mang từ Hà Nội vào Nam. Chân dung ông cụ sáng ngời, hiền hậu. Tấm ảnh đó đã cũ lắm nhưng anh tôi giữ gìn bên mình như vật quý. Trong lòng tôi rất xúc động, tôi muốn vẽ tặng anh trai một bức tranh Bác Hồ thật đẹp”.

Nhà sư cho biết thêm: “Sau khi từ Bình Dương trở về, tôi đã tìm đọc nhiều sách về cách mạng và các lãnh tụ. Tôi đọc rất nhiều sách về Hồ Chủ tịch. Cuộc đời của Hồ Chủ tịch đã khiến tôi xúc động. Tôi hiểu tại sao anh trai tôi yêu kính ông cụ như vậy”. Nhưng sư Huệ Văn chưa kịp vẽ tặng bức tranh Bác cho anh trai thì người anh đã hy sinh vào tháng 5/1973.

Vẽ tranh Bác Hồ mừng ngày giải phóng

Sau đó, sư Huệ Văn quyết định gia nhập lực lượng Thanh niên giải phóng của liên quận 7-8. Tại đây, sư đảm nhận vai trò đội phó Đội Vận động an ninh Phật giáo liên quận. Cùng với nhiều nhà sư khác ủng hộ cách mạng, sư Huệ Văn đã trực tiếp vận động quần chúng theo Phật giáo, đóng góp lương thực, thực phẩm cho người dân nghèo và cho cách mạng.

Những cán bộ của liên quận nhận chỉ thị từ cấp trên rồi nhét vào nải chuối đi “cúng chùa”. Vào chùa họ xuống hầm đọc chỉ thị và họp bàn, sư Huệ Văn cũng tham gia nhiều cuộc họp ở đó. Trước chiến dịch Hồ Chí Minh, tổ chức đề nghị sư Huệ Văn vẽ hai bức tranh Bác Hồ. Sư Huệ Văn nhớ lại: “Lúc đó Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Tôi vẽ tranh Bác trong bảy ngày, từ ngày 20 đến 27/4/1975. Tôi vẽ trên giấy carton, bức vẽ khá lớn, có một bức kích cỡ 1,2 x 2 m. Đề vẻ được bức tranh tôi phải dùng bút chì kẻ tấm giấy carton ra thành từng ô nhỏ rồi vẽ để đảm bảo tỉ lệ chính xác cao tới 99%. Tôi đặt hết tâm trí của mình vào bức vẽ. Lòng tôi rất vui vì ngày hòa bình cho đất nước đã đến gần. Sau khi hoàn thành 2 bức tranh, rất nhiều người đã trầm trồ bảo bức vẽ đẹp quá, có hồn quá”.

Bức họa Bác Hồ được sư Huệ Văn hoàn thành ngày trước ngày giải phóng

Ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, bức ảnh Bác Hồ do sư Thích Huệ Văn vẽ đã được đưa xuống đường diễu hành cùng với xe hoa và các biểu ngữ khác. Sư thầy nhớ lại: “Cảm xúc lúc đó đặc biệt lắm! Đất nước hòa bình rồi”.

Ngày hôm đó, sư Huệ Văn nhận nhiệm vụ lái xe đưa ông Ba Tôn – Bí thư liên quận 7-8 lúc bấy giờ và một số cán bộ đi tiếp quản các quận. Chiếc xe sư Huệ Văn lái là chiếc Jeep. Trên đường tiếp quản vẫn có một số điểm bị phục bắn nhưng bắn trượt. Có người hỏi nhà sư trẻ tuổi tại sao tham gia việc tiếp quản. Sư Huệ Văn trả lời: “Hòa bình rồi, tôi không muốn ai gặp phải sự gì nữa. Tôi là người tu hành, tôi có lái xe cũng ít bị tên bay đạn lạc”.

Bức vẽ Bác Hồ trên giấy carton sau đó được sư Huệ Văn tặng lại cho ông Ba Tôn, và đoàn tiếp quản. Sư Huệ Văn cho biết: “Tôi nghe nói rằng bức vẽ đã được đưa tới dinh Thống Nhất. Sau đó tôi cũng không rõ bức vẽ đó được chuyển cho ai. Đến nay tôi cũng không biết nó có còn ở dinh Thống Nhất hay không. Còn bức vẽ còn lại thì tôi nhìn thấy được treo trịnh trọng tại hội trường đại hội Hợp tác xã (HTX) Tiểu thủ công nghiệp quận 8, năm 1986. Sau đó thì không rõ họ mang bức vẽ đi đâu. Chỉ có một tấm hình chụp lại bức hình tại đại hội này và ông còn lưu giữ được”.

Giỏi việc đạo, giỏi việc đời

Sư Huệ Văn cho biết, sau khi đất nước thống nhất, sư được Ủy ban quận 8 mời ra làm việc cho chính quyền nhưng sư từ chối. Sư về chùa Pháp Quang tiếp tục tu hành. Lúc này sư nhận thấy, trong khi những người lính của chế độ cũ phải đi cải tạo thì gia đình của họ gặp nhiều khó khăn vì không có công ăn việc làm, bị kỳ thì…Sư Huệ Văn canh cánh trong lòng: “Phải có việc làm cho họ thì cuộc sống mới đỡ khổ”. Nghĩ là làm, sư Huệ Văn vay vốn mở cơ sở mây tre lá xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho vợ con của họ. Các sản phẩm mây tre lá của cơ sở Pháp Quang xuất qua Liên Xô, thu về được lượng ngoại tệ đáng kể. Có thời điểm cơ sở nhận giải quyết việc làm cho gần 200 công nhân.

 Năm 1991, Liên Xô tan rã, sư thầy Huệ Văn lại cố gắng vượt qua khủng hoảng kinh tế, gom vốn tiếp tục mở HTX May mặc Pháp Quang, nhận công nhân nghèo vào làm việc. Nhiều nơi nhận tiêu thụ sản phẩm ủng hộ nhà chùa và thu nhập của hội viên HTX rất ổn định. Trong thời gian làm chủ các cơ sở sản xuất, sư Huệ Văn được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Cho tới năm 1996, khi thấy kinh tế xã hội ngày càng phát triển, cơ hội việc làm cho mọi người đã rộng mở, sư thầy mới ngừng làm kinh tế. Chính quyền nhận thấy sự nhanh nhạy của ông nên sau đó đã nhiều lần mời ông đảm nhiệm các chức vụ quản lý nhưng ông đều từ chối vì muốn chuyên tâm vào việc đạo.

Sau khi về làm trụ trì chùa Pháp Giới, (quận Tân Phú, TP.HCM) Hòa thượng Thích Huệ Văn đã trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa từ một ngôi chùa nhỏ, xuống cấp thành một ngôi chùa khang trang. Đặc biệt nhiều công trình tại chùa do tự tay sư thầy tô đắp. Nhiều bức tranh tường và tranh đức Phật trong chùa đều do ông vẽ. Nhiều ngôi chùa khác cũng mời sư thầy về vẽ tranh Phật giúp. Những pho tượng trong chùa Pháp Giới, Hòa thượng Huệ Văn cũng chỉ thuê đúc phần thô còn phần tô vẽ tạo hình đều do sư thầy tự thực hiện. Đặc biệt, khi tới chùa Pháp Giới, nhiều người không khỏi trầm trồ trước bức tranh “dưới gốc bồ đề” được vẽ trên tường phía sau tượng Phật vì rất đẹp. Mọi người càng ngạc nhiên hơn khi biết được người vẽ bức tranh này chính là vị Hòa thượng trụ trì.

Một bức tranh Phật do sư Huệ Văn vẽ năm 1971

Sau nhiều năm làm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận 8, Hòa thượng Thích Huệ Văn được bầu làm Phó Trưởng ban Trị sự  Giáo hội Phật giáo TP.HCM và hiện vẫn đang đảm nhiệm chức vụ này. Trong nhiều kỳ đại hội của Ban Trị sự Phật Giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Huệ Văn cũng được cử làm Phó ban trang trí cho đại hội vì biết ông có tài hội họa.

Với những đóng góp cho cách mạng và đời sống, Hòa thượng Thích Huệ Văn đã được chủ tịch nước tặng huân chương Kháng chiến hạng Ba, Ủy ban MTTQ Việt Nam tặng huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và nhiều bằng khen của TP.HCM về sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Ngoài ra Hòa thượng còn được Giáo hội Phật giáo tặng nhiều bằng khen vì thành tích trong các hoạt động của hội.

Hiện nay dù đã gần 73 tuổi nhưng niềm đam mê hội họa của Hòa thượng Thích Huệ Văn vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, nhiều năm qua Hòa thượng vẫn luôn ấp ủ dự định sẽ vẽ lại một bức chân dung Bác Hồ để làm kỷ niệm và nhớ lại những tháng ngày hào hùng cùng với cuộc cách mạng của dân tộc. Đây là dịp có ý nghĩa để tôi vẽ lại tấm chân dung Bác Hồ. Lần này tôi sẽ sử dụng chất liệu sơn dầu trên vải bố để có thể lưu giữ được lâu hơn”

            Đặng Phương Điền