Đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng Vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội

21/09/2023 11:29:23 +07:00

Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, cần được bảo vệ và phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng con người cách mạng và văn hóa cách mạng.

Theo xu thế phát triển của lịch sử, không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, trở thành môi trường thuận lợi để lưu trữ, truyền đưa thông tin về nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao nhận thức cách mạng của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, không gian mạng còn là môi trường để các thế lực thù địch, phản động, chống đối ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trước tình hình đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay.

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin”.

Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã xác định mục tiêu “Đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và nêu “khát vọng phát triển đất nước”. Như vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới, trên tất cả lĩnh vực, trong đó có không gian mạng.

Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để tung những tin xuyên tạc, không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước ta (Ảnh minh họa)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, với việc chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số; công nghệ, truyền thông phát triển vượt trội, con người dễ dàng tiếp cận mọi thông tin thông qua mạng Internet, mạng xã hội Facebook, Zalo, Twitter, Youtube, Instagram, Linkedin, Google, Tiktok, Telegram…

Các công vụ này trở thành môi trường trao đổi, truyền đưa thông tin, tác động tới tư tưởng, nhận thức của người sử dụng. Lợi dụng đặc tính ẩn danh, kết nối rộng, chia sẻ dễ dàng và lan tỏa thông tin nhanh. Cùng sự đa dạng của các loại hình dịch vụ “truyền thông xã hội”, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng không gian mạng, tiến hành nhiều hoạt động chống phá trong nước, đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các đối tượng, tổ chức phản động thiết lập hơn hàng chục nghìn tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Youtube và các website, blog để đăng tải, tán phát thông tin xấu độc nhằm tấn công vào nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, chính sách, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam; tung tin, cắt ghép, pha trộn thông tin thật – giả, thậm chí là bịa đặt, vu khống liên quan đến đời tư, quan hệ gia đình, sức khoẻ, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Lợi dụng các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền tư tưởng cực đoan, bạo lực, kích động người dân biểu tình; tổ chức phản động lưu vong chỉ đạo cơ sở trong nước tiếp cận các điểm nóng, hộ khẩu hiệu kích động người dân; quay phim chụp hình, đưa tin trực tiếp (livestream) tán phát lên không gian mạng theo hình thức truyền tin trực tiếp tại hiện trường.

Nhiều vụ phức tạp ở khu vực Tây Nguyên gần đây cho thấy các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng triệt để mạng xã hội để mạng xã hội để đưa thông tin không đúng sự thật. Thậm chí, bọn chúng còn tìm cách thành lập các tổ chức bất hợp pháp mới để quy tụ lực lượng và kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, ly khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Các thế lực thù địch, phản động, chống đối sử dụng không gian mạng để liên kết, móc nối, phát triển lực lượng trong nước, đào tạo, huấn luyện, hình thành và công khai hóa hội, nhóm xã hội dân sự có hoạt động chống đối trên không gian mạng. Chúng thành lập các nhóm Facebook, Fanpage mang màu sắc chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước dưới hình thức “công khai, kín và bí mật” có sự tham gia, liên kết giữa các đối tượng có cùng quan điểm chống đối, bất mãn, thành viên của các tổ chức phản động.

Bọn chúng còn sử dụng mô hình hoạt động của nhóm Facebook, Fanpage, các đối tượng chống đối dễ dàng lôi kéo, kết nối các thành viên khác tham gia để đăng tải, tán phát, bình luận nhiều thông tin, bài viết, hình ảnh có nội dung công kích, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ và chế giễu hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo cấp cao; tán phát nhiều thông tin, bài viết liên quan đến nội bộ và kích động biểu tình…

Thực tiễn ở trong cả nước cũng như ở Bình Dương cho thấy, toàn Đảng, toàn quân và hệ thống chính trị đang huy động cả hệ thống chính trị, đông đảo quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những giải pháp cụ thể như:

– Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng, tập trung vào hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước trên không gian mạng phù hợp với tình hình mới và thể chế chính trị của nước ta. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng, tính thượng tôn pháp luật quốc gia sở tại của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều hình thức phù hợp trong tình hình mới, luôn giữ vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần và phương châm xây dựng, phát triển đất nước. Trước sự phát triển như vũ bão của không gian mạng, âm mưu, thủ đoạn, phương thức phá hoại của các thế lực thù địch cũng sẽ đổi mới, ngày càng tinh vi, nham hiểm nên cần phổ biến tới quần chúng nhân dân những thủ đoạn mới của chúng để nâng cao sức đề kháng chủ động phản bác, đấu tranh với thông tin xấu, độc.

– Tăng cường công tác đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Nếu các thế lực thù địch, phản động, chống đối coi đây là một mặt trận hiệu quả thì ta cũng phải coi đây là một trong những không gian cần bảo vệ và phát triển. Các hình thức tuyên truyền phải phù hợp với xu hướng, thị hiếu, có phân tích, chọn lọc và biết tiếp cận, gần gũi, thân thiện và đi vào lòng quần chúng nhân dân.

Cụ thể mới đây nhất, là vụ nhóm người tấn công trụ sở Công an xã tại Đắk Lắk vào ngày 11-6-2023. Trong vụ việc này, người phát ngôn Bộ Công an đã liên tục cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí chính thống đưa tin, phản ánh đúng sự thật, không để các thế lực thù dịch lợi dụng tình hình xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm để ổn định tình hình…

– Nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong nhiều giải pháp đã nêu, đặc biệt, cán bộ, đảng viên cần phải quyết tâm thực hiện, nhất là trong thực thi công vụ. Bên cạnh việc “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, thì cần phải “dám nói”. Thực tế cho thấy, im lặng là thủ tiêu đấu tranh và là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển – và đó chính là cơ hội, mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch tuyên truyền, chống phá…

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương làm việc với một đối tượng đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Tôi cho rằng, chúng ta cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Đối với ngành điện, chúng ta cũng cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý thông tin xấu độc; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các sai phạm của thông tin xấu độc của ngành điện trên mạng xã hội. Cùng với đó, khuyến khích xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cơ quan, đơn vị để dần hình thành “miễn dịch tâm lý” đối với tin đồn trong nhân dân bằng một nền tảng tri thức đủ sức đề kháng với mọi loại tin đồn độc hại, thất thiệt, sai sự thật.

Việc làm tốt công tác đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái, thù địch đã góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, giúp nền kinh tế, văn hóa của cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng và nhân dân. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, sử dụng chứng minh thư nhân dân điện tử để quản lý thông tin và người sử dụng trên Internet.

Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, các địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời cho người dân. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật; chỉ rõ những thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó, giúp người dùng am hiểu pháp luật, tránh những hành vi vi phạm cũng như nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, biết tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, “miễn dịch” với những thông tin giả mạo làm nhiễu loạn môi trường xã hội.

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống và phản bác quan điểm sai trái, thù địch của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là cần có nhận thức đúng về tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; Bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Từ nghị quyết này, các cấp ủy Đảng nhận thức rõ việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hoạt động có mục đích của Đảng nhằm vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, góp phần củng cố niềm tin vào hệ tư tưởng của Đảng. Tôi cho rằng, mục đích của đấu tranh là bảo vệ, là củng cố niềm tin trong nhân dân. Nếu chúng ta đấu tranh phản bác được nhiều quan điểm sai trái, thù địch nhưng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào hệ tư tưởng, vào sự lãnh đạo của Đảng mà không tăng lên thì cũng không có ích lợi gì.

Với vai trò là giảng viên, tôi luôn nhắn nhủ cho học viên của mình cần vận dụng triệt để mạng xã hội, báo chí chính thống để thông tin kịp thời, chính xác cho người dân hiểu đúng sự việc. Cái gì thông tin kịp thời, chính xác, có định hướng chung đều có lợi cho Đảng, nhà nước ta.

Chúng ta cần phải xác định giải pháp “xây” là cơ bản, từ hệ thống truyền thông, báo chí thông tin từ cơ sở đến việc vận dụng những nền tảng số từ cơ sở đến tỉnh để tuyên truyền, định hướng kịp thời. “Chống” phải quyết liệt, hiệu quả, có giải pháp phù hợp, có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng và am hiểu chuyên môn nghiệp vụ. Vấn đề cốt tử của mặt công tác này là “giữ vững bên trong” để “tự bảo vệ”, để đủ sức đề kháng trước các quan điểm sai trái, thù địch.

Tôi cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, có trình độ thực sự; đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả; hoàn thiện và làm sáng rõ hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân bằng những quyết sách, chủ trương đúng đắn, kịp thời, nhất là coi trọng công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác để nhân dân cùng đồng thuận với chủ trương của Đảng và nhà nước.

Trong thời gian tới, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy Đảng cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi khi có nhận thức rõ, đúng và quan tâm sâu sát thì người cán bộ, đảng viên mới có thể đề ra các kế hoạch, chương trình hành động để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mang lại hiệu quả thiết thực.

Với vai trò, trách nhiệm của một giảng viên, tôi sẽ thực hiện tốt các quy định nêu gương, đổi mới lề lối làm việc, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực. Tôi mong muốn Bộ Công an quan tâm hơn nữa đến loại tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới bằng các hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống phòng vệ để chủ động và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm; kịp thời trang bị các phần mềm, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu bổ sung kịp thời các chế định về các hành vi tội phạm, chứng cứ, các biện pháp ngăn chặn…

Tôi mong muốn Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp nghiên cứu triển khai áp dụng hình thức “tuần tra trên mạng” bằng việc phân công cán bộ trinh sát công nghệ thông tin thường xuyên truy cập vào các trang mạng, thâm nhập vào các diễn đàn công nghệ thông tin, nhất là các diễn đàn của giới tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao để chủ động nắm thông tin, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các công cụ, phương tiện do các đối tượng phạm tội sử dụng; tiếp tục thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tôi tin tưởng rằng, cùng với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ thì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải là “người lính xung kích” trong việc đưa trang mạng xã hội của cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Và khẳng định rõ việc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.

Nguyễn Thị Ly – Đặng Quang Tuân