GIA LÂM: PHÁT TRIỂN VÀ BẢO TỒN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

07/09/2023 08:59:24 +07:00

Làng nghề và nghệ nhân luôn được xem là tài sản quý giá như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm ở Việt Nam nói chung, Gia Lâm nói riêng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng Nông thôn mới. Huyện Gia Lâm, với những đặc điểm và lợi thế độc đáo, đã tận dụng triệt để các giá trị tiềm năng của các làng nghề truyền thống trên địa bàn, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị này trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, từ chỗ chỉ có 9 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, 11 xã đạt từ 7 đến 9 tiêu chí (năm 2010), trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt, như quy hoạch, hạ tầng kinh tế – xã hội, hộ nghèo, môi trường…, đến năm 2021, tất cả 20/20 xã của huyện Gia Lâm đều đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã triển khai kế hoạch nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế của huyện như gốm sứ Bát Tràng để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Lâm đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến nay, nhiều nhóm tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả cao, như 100% số đường trục chính, liên thôn được cứng hóa, bê tông, thảm nhựa; 100% số trạm y tế xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 100% số dân sử dụng nước sạch. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, 70/74 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 94,6%), toàn huyện không còn hộ nghèo… Các cơ sở dịch vụ thương mại, các cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư, phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trong năm 2022, được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực cố gắng của toàn thể Nhân dân, kinh tế – xã hội của huyện Gia Lâm đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,52%, bằng 2,28 lần mức tăng của năm 2021 và cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 5.168 tỷ đồng, bằng 101,5% dự toán TP và huyện giao và bằng 182,5% so với năm trước. Huyện Gia Lâm đã tự đảm bảo cân đối ngân sách được UBND TP giao năm 2022.

Công tác đầu tư xây dựng huyện thành quận và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định cấp huyện, năm 2022, 11/11 xã đã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình TP công nhận nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện đã hoàn thành 28/31 tiêu chí thành lập quận; hoàn thành 8/18 tiêu chí thành lập phường.

Công tác văn hóa, xã hội được duy trì và phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Huyện đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 – 2025” kế hoạch năm 2022. Các chỉ tiêu về văn hóa đều hoàn thành vượt chỉ tiêu. Năm học 2021 -2022, ngành GD&ĐT huyện Gia Lâm được TP tặng Cờ thi đua xuất sắc…

Năm 2022, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đạt trên 6.867 tỷ đồng, tăng 15,75% so với năm 2021. Huyện đã tổ chức thành công Lễ hội Gióng và Tuần lễ du lịch Phù Đổng; tổ chức Lễ đón nhận Quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”, khai trương Cổng thông tin điện tử du lịch Gia Lâm và App du lịch Gia Lâm; tổ chức Tuần lễ du lịch Bát Tràng và đón nhận quyết định công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”…

Làng nghề truyền thống Bát Tràng được UBND Thành phố công nhận là điểm du lịch.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống luôn là ưu tiên hàng đầu của huyện khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Các làng nghề nổi tiếng như Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Gia Lâm là nơi có mật độ di tích dày đặc, có nhiều làng nghề nổi tiếng. Trong đó, có các di tích nổi tiếng liên quan đến Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thái hậu Ỷ Lan…hay các làng nghề gốm Bát Tràng, gốm Kim Lan, dát vàng Kiêu Kỵ, thuốc bắc Ninh Hiệp…Cùng với đó, cảnh quan ven sông Hồng, sông Đuống cũng là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, đền Phù Đổng thờ Thánh Gióng, một trong Tứ bất tử của người Việt là Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với Lễ hội Gióng ở đền Sóc, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm cũng đặt sự chú trọng đến vấn đề tái cấu trúc làng nghề để thích nghi với hội nhập kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề. Điều này đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và bền vững về mặt kinh tế, đồng thời giữ vững giá trị của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Đáng chú ý, huyện Gia Lâm cùng với làng nghề Vạn Phúc – Hà Đông đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quy hoạch và đầu tư bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch, và đã được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận là điểm du lịch. Huyện cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và biến làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần vào phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Có được những thành quả trên đều đến nhờ sự quan tâm và lãnh đạo chỉ đạo từ các bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, và Ủy ban nhân dân Thành phố, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả từ các Sở, ban, ngành, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Thành phố. Đó là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết và thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm, với những cách làm sáng tạo và hiệu quả. Các bài học kinh nghiệm này giúp cơ quan chức năng thấy được tầm quan trọng của công tác chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, tạo sự thống nhất và nhận thức đúng đắn về xây dựng Nông thôn mới, cũng như về việc phát huy dân chủ, công khai, minh bạch. Điều này giúp đa dạng hóa các nguồn lực và đồng bộ hóa các giải pháp, từ đó triển khai các nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm, và giúp người dân thực sự trở thành chủ thể của quá trình xây dựng Nông thôn mới.

Trong thời gian tới, với định hướng xây dựng huyện thành quận, huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Nông thôn mới gắn với đô thị hóa, đồng thời phát triển và bảo tồn làng nghè truyền thống. Mục tiêu là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới trên địa bàn, xây dựng Nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường, cũng như phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực chung và tinh thần hợp tác của toàn bộ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng.

BÀI VIẾT CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI