Giỗ tổ nghề sân khấu(12/8 âm lịch) – Nghệ sĩ Thanh Lựu: Gặp thời thế… thế thời phải thế

17/11/2023 08:08:01 +07:00

Như con tằm rút ruột nhả tơ, nghệ sĩ cải lương Thanh Lựu-sinh năm 1965 dù không gặp thời, nhưng vẫn giữ ngọn lửa cháy bỏng với bộ môn cải lương. Gần 30 năm gắn với cải lương giờ là lúc ông “truyền lửa lại cho thế hệ trẻ…”

Nghệ sĩ Thanh Lựu quê gốc Quảng Nam, xứ sở của hát bài chòi. Nên việc ông gắn bó cả cuộc đời với bộ môn cải lương cũng là đều dễ hiểu. Sau giải phóng gia đình ông vào Sài Gòn, hành trình người con xứ Quảng đến với đờn ca tài tử cũng được bắt đầu từ đây.

Chú thích ảnh Nghệ sĩ Thanh Lựu thời trai trẻ

Mê văn hóa đất phương Nam với “Hồn Cao Văn Lầu” phổ biến trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ. Ông bắt đầu đã học đờn ca tài tử ở Nhà Văn hóa quận Tân Bình. Năm 1988 ông trúng tuyển lớp diễn viên khóa 3 của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Năm 1991 ra trường ông  được huy chương vàng (HCV) giọng ca cải lương do Hội Sân khấu và Sở văn hóa TPHCM tổ chức.  Và năm 1998, anh lại tiếp tục mang về cho mình giải thưởng “Diễn viên được yêu thích nhất” giải Trần Hữu Trang.

Từ đây ông trở thành diễn viên Đoàn xung kích Trần Hữu Trang (THT) và sau này là giảng viên của trường đào tạo diễn viên THT.  Thanh Lựu là một trong số những nghệ sĩ trẻ ”không gặp thời”. Ông đến với nghề đúng vào giai đoạn khó khăn của cải lương. Nhưng bằng tất cả lòng đam mê, sự nhiệt tình, hăng say của tuổi trẻ, Thanh Lựu đã cùng với các bạn trẻ ở Đoàn xung kích nhà hát cải lương Trần Hữu Trang biểu diễn, phục vụ hết mình theo đúng phương châm ”ở đâu cần, thanh niên có” trong suốt 11 năm.

Ông chia sẻ, điều may mắn nhất của ông chính là được làm học trò của NSND Phùng Há. Đó là thái độ nghiêm túc với nghề, hết mình với vai diễn. Nói ông không gặp thời cũng đúng, bởi khi ở đỉnh cao phong độ, thì cải lương đang trên đà đi xuống. Biết mình khó lòng nổi tiếng giữa lúc thoái trào của bộ môn cải lương, ông tự lăng xê cho chính mình.

Gom hết tiền cát xê, ông tự ra album ca cổ để phục vụ và bà con còn say đắm với nghệ thuật cải lương. Ông để lại dấu ấn khá rõ nét qua các bài vọng cổ trữ tình, sâu lắng như: Chuyến xe miền Tây, Về đâu mái tóc người thương, Diễm xưa, Hạ buồn…Đó là cách ông sống với thế thời. Không ồn ào, hào nhoáng như một số nghệ sĩ cải lương đình đám. Ông âm thầm lặng lẽ, dâng hương ngọt cho đời.sau những ngày tháng đứng trên sân khấu, Thanh Lựu trở thành giảng viên bộ môn ca cổ… tiếp tục “giữ lửa nghề” mà tổ đã để lại.

Ông cùng các nghệ sĩ đầy tâm huyết như NSUT Ngọc Dung, Mỹ Hằng, Tuấn Phương, Huỳnh Mai, Trương Hoàng Long,… đào tạo các bạn đam mê ca hát, biểu diễn qua các lớp ngoại khóa của nhà hát. Đáng quí hơn là anh mở hẳn một địa điểm cà phê tài tự tại nhà mình để các bạn tri kỷ tri âm đến cùng giao lưu và ca hát thỏa mãn đam mê.

Hỏi ông: “Tại sao với lịch dạy và lịch dựng chương trình cho các nơi dày đặc như vậy mà ông vẫn muốn dành thời gian để cộng tác ở trung tâm quận Tân Bình thì ông mỉm cười trả lời.. Ông trả lời: “Tôi chỉ muốn mang lại những gì tôi đã được học, được cọ sát thực tế từ những sân khấu lớn nhỏ và những kinh nghiệm tôi đã từng trải muốn gửi đến cho thế hệ sau này những người có niềm đam mê yêu thích môn nghệ thuật cải lương vì tôi không muốn cải lương ngày một mai một”

Trần Thanh Thảo