Quan niệm của sinh viên về bình đẳng giới trong gia đình

15/11/2023 10:33:50 +07:00

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vị thế ở phạm vi toàn cầu và khu vực. Những thành tựu đạt được trong hội nhập quốc tế đã góp phần thúc đẩy phát triển đất nước đã và đang tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng trong quá trình triển khai thực hiện nâng cao chất lượng bình đẳng giới.

Việt Nam xếp vị trí đầu thế giới về bình đẳng giới ở gia đình và trong công việc

 Trên bình diện quốc tế, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trên phạm vi toàn cầu. Các cam kết bình đẳng giới trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) thể hiện một bước tiến quan trọng tiếp nối các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Trong đó, các mục tiêu cụ thể về bình đẳng giới được xây dựng dựa trên nguyên tắc của các công ước và cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền như Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh,… Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 toàn cầu đã đề ra nội dung hướng tới “chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử; xóa bỏ bạo lực và các tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; giải quyết vấn đề về công việc chăm sóc và công việc nội trợ không được trả công; đảm bảo sự tham gia hiệu quả của phụ nữ ở mọi cấp độ ra quyết định, và tiếp cận phổ cập đến quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục”. Với cam kết của mình, cộng đồng quốc tế đã và đang dành những nguồn lực tài chính cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm đạt được bình đẳng giới và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cho đến nay, đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu về chủ đề “bình đẳng giới” được tiến hành với phạm vi, quy mô và tính chất khác nhau, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Kết quả nghiên cứu từ các đề tài đã phác họa bức tranh toàn cảnh về tình trạng bình đẳng giới ở Việt Nam, mức độ ảnh hưởng của nó trong tiến trình phát triển của đất nước. Có thể nhận thấy mục tiêu “bình đẳng giới” cần có sự phấn đấu bền bỉ. Trong khoảng thời gian tương đối dài mới có thể đạt được. Do vậy, việc tiếp tục khai thác, nghiên cứu sâu các khía cạnh trong mảng chủ đề này là hoàn toàn cần thiết, đặc biệt là những nghiên cứu về quan niệm của thanh niên.

Tính đến năm 2022, dân số thanh niên trong độ tuổi 16-30 đạt 20,720,907 người, chiếm 20.9% dân số cả nước. Đây là thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số phát triển, với những đặc điểm về tính cách, tư duy, nhận thức, tiềm năng, xu hướng và phong cách sống… có nhiều nét mới. Trong đó có thanh niên sinh viên. Một mặt, thanh niên sinh viên là nhóm đối tượng đang ở giai đoạn tự ý thức phát triển – sinh viên có những hiểu biết, thái độ, có khả năng đánh giá bản thân để chủ động điều chỉnh sự phát triển bản thân theo hướng phù hợp với xu thế xã hội. Mặt khác, thanh niên sinh viên là nhóm đối tượng thuộc thế hệ gen Z – thế hệ mang lại sự thay đổi lớn về cách tiếp cận và sử dụng công nghệ, có sự quan tâm đến vấn đề xã hội, môi trường, có thái độ đa dạng và mở rộng trong suy nghĩ. Vậy liệu các yếu tố này có tác động đến sự hình thành quan niệm của thanh niên về bình đẳng giới trong hôn nhân gia đình hay không? Có sự khác biệt gì về quan niệm bình đẳng giới giữa nam sinh viên và nữ sinh viên? Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sử dụng kết quả nghiên cứu định tính, phỏng vấn sâu các nhóm sinh viên thuộc 03 khối ngành Xã hội – Nhân văn, Kinh tế – Tài chính, Công nghệ – Kỹ thuật với mục tiêu nhằm tìm hiểu, khai thác những khía cạnh khác nhau liên quan đến nhận thức bình đẳng giới trong gia đình

Vai trò lao động tạo thu nhập

Quan niệm của nữ sinh viên

Nhìn chung, nữ sinh viên được phỏng vấn đều có ý thức về trách nhiệm của bản thân xây dựng cuộc sống vật chất đầy đủ cho cuộc sống gia đình riêng của mình. Họ cho rằng “Quản lý thu nhập” của cả 2 vợ chồng là cách thức để họ thực hiện nhiệm vụ này. Quan điểm “Vợ cũng phải đi kiếm tiền. Dù có không kiếm được nhiều bằng chồng nhưng cũng làm ra tiền, cũng có trách nhiệm lo cho kinh tế gia đình” (22 tuổi, ngành Kinh tế – Tài chính) được sự tán thành bởi hầu hết nữ sinh viên khi họ chia sẻ. Phụ nữ mong muốn được cùng người bạn đời tương lai gánh vác những khó khăn về kinh tế trong giai đoạn đầu của cuộc sống hôn nhân như là một cách thức để vun vén cho hạnh phúc gia đình “Người vợ cũng nên phụ cho chồng về tài chính. Vợ chồng mới cưới mà, có rất nhiều khoản phải chi tiêu. Tình hình kinh tế khó khăn, xin việc cũng khó. Thế nên, hai vợ chồng nên cùng làm, chứ một mình chồng khó nuôi nổi, đặc biệt là nếu có thêm em bé” (22 tuổi, ngành Xã hội – Nhân văn).

Cùng với đó, bản thân những nữ sinh viên cũng có mong muốn chứng tỏ khả năng độc lập về tài chính, có thể tự chu cấp, mua sắm theo nhu cầu của bản thân. Một nữ sinh viên cho biết “Tương lai, mọi người hay nói kết hôn để có chồng, nhờ chồng, nhưng bản thân em quan điểm không phân biệt chồng hay vợ. Bản thân mình cũng phải đi làm, lao ra ngoài xã hội nếu có thể tự chủ cuộc sống, mua sắm theo nhu cầu cá nhân. Bản thân cũng được học hành, sao phải phụ thuộc vào người khác?” (21 tuổi, ngành Kinh tế – Tài chính). Một nữ sinh viên khác cũng bày tỏ suy nghĩ của mình “Bây giờ, em cũng đã đi làm, kinh tế độc lập, có thể tự trang trải cho cuộc sống, không cần xin tiền bố mẹ. Em cảm thấy dựa vào tiền của bố mẹ chu cấp cũng không thoải mái. Em thích sự độc lập, nên tương lai có kết hôn em nghĩ bản thân cũng không phụ thuộc vào kinh tế của chồng” (22 tuổi, ngành Công nghệ – Kỹ thuật).

Mặt khác, khi được hỏi về vai trò của người chồng trong việc tạo ra thu nhập, đa số nữ sinh viên đều tán thành người phụ nữ có thể tham gia hỗ trợ nhưng trách nhiệm chính vẫn là ở người đàn ông. Kiếm được tiền, chăm lo cho gia đình về vật chất thể hiện bản lĩnh đàn ông. Có nữ sinh chia sẻ “Có câu đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Phụ nữ vẫn có thế mạnh về nội trợ hơn đàn ông, nên phụ nữ đã dành một phần thời gian vào công việc này rồi bên cạnh việc vẫn đi làm kiếm tiền. Thế nên, thu nhập chính cho gia đình vẫn nên là người đàn ông đảm nhận” (18 tuổi, ngành Kinh tế – Tài Chính). Nữ sinh viên còn quan niệm rằng tạo thu nhập là một trách nhiệm lớn và chủ yếu được đặt lên vai của người đàn ông, người trụ cột trong gia đình. Bản thân người phụ nữ có trách nhiệm “chung vai gánh vác trách nhiệm kinh tế cùng chồng sau này, để còn lo được cho gia đình nội – ngoại, con cái đầy đủ” (19 tuổi, ngành Xã hội – Nhân văn).

Quan niệm của nam sinh viên

Kết quả cho thấy, 100% nam sinh viên trong mẫu phỏng vẫn đều tự nhận bản thân có trách nhiệm nuôi gia đình sau này. Việc chu cấp đầy đủ về tài chính, đem đến một cuộc sống có chất lượng sẽ thể hiện được năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm và tình yêu thương mà người đàn ông dành cho gia đình, vợ con. Điểm chung là khi đề cập đến lĩnh vực này, họ không lý giải nhiều và xem đây là trách nhiệm tất nhiên – “không cần bàn cãi”. Đa số nam sinh viên được hỏi tự nhận mình đang trong mối quan hệ tình cảm và cũng đã đi làm (cả làm thêm và làm chính thức) để có thu nhập chăm lo cho bản thân, gia đình mình và người yêu. Ý kiến phổ biến là “Đa số đàn ông kiếm tiền là chính, còn phụ nữ lo công việc gia đình và hỗ trợ kinh tế gia đình. Tất nhiên, ủng hộ việc phụ  nữ đi làm nhưng không đặt áp lực cơm áo gạo tiền lên phụ nữ” (22 tuổi, ngành Xã hội – Nhân văn).

Một nam sinh viên có chia sẻ “Em nghĩ thời nào cũng vậy, trách nhiệm của người đàn ông là kiếm tiền, lo cho vợ con đầy đủ, không làm được điều đó thì thật tệ, không đáng mặt đàn ông” (18 tuổi, ngành Công nghệ – Kỹ thuật). Đây là ý kiến tiêu biểu cho quan niệm về trách nhiệm và bổn phận của người đàn ông trong gia đình. Bên cạnh đó còn có các quan điểm “Là đàn ông, ai lại để vợ mình đi làm. Do hoàn cảnh hoặc cuộc sống gia đình còn khó khăn thì cả 2 mới cùng nhau đi làm thôi” (18 tuổi, ngành Kinh tế – Tài chính).

Qua việc phân tích quan niệm của thanh niên sinh viên về vai trò lao động tạo thu nhập, các thông tin định tính thu được cho thấy hầu hết những người được hỏi đều xác định vai trò của mình tương đối rõ ràng. Nam sinh viên thường tự nhìn nhận và được nhìn nhận là người có trách nhiệm chính cung cấp tài chính khi đã lập gia đình. Trong khi đó, người phụ nữ là người “hỗ trợ” hay “góp phần” vào việc lao động kiếm thu nhập cho gia đình. Quan điểm này không chỉ có ở nam sinh viên mà cả ở phần đông nữ sinh viên tham gia phỏng vấn. Mặt khác, vẫn có quan điểm cho rằng người phụ nữ dù có lập gia đình thì vẫn nên đi làm, phát triển sự nghiệp để chứng tỏ khả năng độc lập, năng lực bản thân.

Vai trò quán xuyến, chăm sóc gia đình

Quan niệm của nữ sinh viên

Bản thân nữ sinh viên khi nói về vai trò quán xuyến, chăm sóc gia đình, hầu hết họ luôn tự nhận mình có trách nhiệm đảm đương chính. Họ ý thức rằng, dù xã hội ngày nay ngày càng phát triển, người đàn ông và người phụ nữ đều bình đẳng, nhưng vai trò của người phụ nữ trong gia đình vẫn không thể thay đổi. Một nữ sinh viên chia sẻ “Do sống và quan sát gia đình mình từ bé, em cảm thấy lối sống của nhiều bạn khác không giống em. Em thích sống theo khuôn phép của người phụ nữ Á đông, vì em đề cao các chuẩn mực đạo đức. Bởi vậy, tương lai khi có gia đình, em sẽ chăm lo hết mình cho chồng con” (23 tuổi, ngành Xã hội – Nhân văn). Hầu hết, những nữ sinh cho rằng họ cảm thấy vui và hạnh phúc khi được tận tay chăm sóc cho người yêu hiện tại hay người chông tương lai sau này. Một số nữ sinh gọi đó là “thiên chức” hay “bổn phận” của người phụ nữ.

Dù được định danh dưới bất kỳ tên gọi nào, nội trợ và chăm sóc gia đình đối với người phụ nữ luôn là nhiệm vụ được họ ưu tiên hàng đầu. Theo quan niệm của những nữ sinh viên tham gia phỏng vấn, nội trợ và chăm sóc gia đình chu đáo là phương thức tốt nhất để xây dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình. Một nữ sinh viên chia sẻ “Em nghĩ rằng người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn và vun vén hạnh phúc gia đình. Một gia đình mà có người vợ, người mẹ chăm lo gia đình nội – ngoại tốt; biết cách chăm lo, giáo dục con cái; biết cách chăm sóc nhà cửa,…thì em thấy gia đình đó thường yên ấm, hạnh phúc” (19 tuổi, ngành Xã hội – Nhân văn). Bên cạnh đó, các bạn nữ sinh viên cũng thể hiện mong muốn được người chồng tương lai san sẻ công việc nội trợ, chăm sóc gia đình và con cái. Họ hy vọng nếu bản thân người phụ nữ đã nỗ lực vun vén gia đình thì người đàn ông nên có ý thức tự giác hỗ trợ vợ những công việc trong gia đình “Hỗ trợ vợ một số việc nhỏ trong gia đình, em nghĩ cũng là cách người đàn ông thể hiện sự quan tâm đến vợ bằng các hành động cụ thể, có thể là quét nhà, dọn dẹp đồ chơi của con, bê những đồ nặng khi vợ nhờ,…Em thấy nếu bố em giúp mẹ mấy việc đó là mẹ em cũng vui rồi” (20 tuổi, ngành Công nghệ – Kỹ thuật)

Cuộc thi Sáng kiến thanh niên “giải quyết vấn đề định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới”

Với một số bạn nữ sinh viên khác, họ thể hiện sự sẵn sàng đối mặt với các áp lực cuộc sống, mong muốn phát triển sự nghiệp “Em nghĩ nếu bản thân phát triển sự nghiệp tốt, thì sẽ có kinh tế cho gia đình. Em không giỏi việc nhà nên em nghĩ khi có kinh tế tốt rồi thì có thể thuê người về làm. Cuộc sống bây giờ có đa dạng dịch vụ hỗ trợ chỉ cần bản thân kiếm được tiền” (20 tuổi, ngành Kinh tế – Tài chính). Cũng có bạn cho rằng “Nếu gia đình, vợ kiếm tiền được nhiều hơn chồng, mà công việc của người vợ bận hơn thì nên để người chồng quán xuyến gia đình, người vợ ra ngoài kiếm tiền. Em thấy kết hôn là câu chuyện của tình yêu, còn công việc nhà thì 2 vợ chồng sẽ tự thu xếp với nhau sao cho phù hợp nhất” (21 tuổi, ngành Công nghệ – Kỹ thuật).

Quan niệm của nam sinh viên

Hầu hết những nam sinh viên được hỏi đều có khả năng nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa nhưng họ vẫn đề cao vai trò quán xuyến, chăm sóc gia đình nên là người phụ nữ “Con gái thì thường tinh tế hơn, khéo léo hơn, nền nã hơn, họ xử lý các vấn đề nảy sinh trong gia đình mềm dẻo hơn con trai, cũng như, họ cũng quán xuyến công việc, tài chính trong gia đình tốt hơn” (21 tuổi, ngành Công nghệ – Kỹ thuật). Bản thân các nam sinh viên đều có ý thức trong việc sẽ phụ giúp vợ tương lai các công việc nhỏ trong gia đình “Em hoàn toàn có thể giúp đỡ vợ em quét nhà, nấu cơm, chơi với con. Em cảm thấy việc này có nhiều ý nghĩa với chuyện tình cảm của cả hai, giúp cả hai ngày càng gắn kết” (20 tuổi, ngành Xã hội – Nhân văn). Đối với nhóm nam sinh này, hạnh phúc gia đình là sự yên ấm, vui vẻ, mạnh khỏe của các thành viên được tạo nên chính vẫn là vai trò của người vợ nhưng vẫn luôn cần có sự đồng hành, giúp đỡ từ người chồng.

Mặt khác, vẫn một số nam sinh viên trả lời phỏng vấn có quan điểm khác với số đông. Quan điểm của họ chịu ảnh hưởng bởi môi trường gia đình họ lớn lên. Một nam sinh viên kể lại “Trong gia đình em, những việc bếp núc, giặt giũ chỉ có mẹ và các chị em làm. Bố em không bao giờ đụng đến những chuyện đó. Bố dạy em những công việc đó tốn thời gian của mình, mình dành thời gian để làm những chuyện công to, việc lớn” (18 tuổi, ngành Kinh tế – Tài chính). Với nhóm các bạn nam sinh, họ đánh giá cao tầm quan trọng của việc quán xuyến, chăm sóc gia đình ở người phụ nữ đến hạnh phúc gia đình. Họ cho rằng khi vai trò này được thực hiện chu đáo thì sẽ khiến người đàn ông yên tâm đi ra ngoài kiếm tiền. Vậy nên họ cũng đặt kỳ vọng người vợ tương lai của mình cần phải đảm đương, hoàn thành tốt vai trò này. Họ cũng ngần ngại khi được hỏi nếu người phụ nữ tập trung phát triển sự nghiệp thì bạn có suy nghĩ như thế nào? “Em nghĩ nếu người phụ nữ tập trung phát triển sự nghiệp thì họ sẽ ít thời gian chăm sóc gia đình. Như thế thì nhà cửa sẽ bị bỏ bê, chỉ tội con cái vì không được dành nhiều thời gian bên bố mẹ” (22 tuổi, ngành Kinh tế – Tài chính)

Tóm lại, hầu hết thanh niên sinh viên cho rằng xu hướng ngày nay người phụ nữ có nhiều cơ hội trong việc đi làm, phát triển sự nghiệp, khẳng đinh bản thân. Tuy nhiên, trách nhiệm quán xuyến, chăm sóc gia đình vẫn nên là trách nhiệm chính của người phụ nữ. Đã có ít nhiều sự vận động và thay đổi trong quan niệm của cả hai giới về trách nhiệm quán xuyến, chăm sóc gia đình. Điều này xảy ra chủ yếu ở các bạn nữ thuộc khối ngành Kinh tế – Tài chính hay Công nghệ – Kỹ thuật khi họ đã có công việc chính dù vẫn đang đi học. Họ đã có nguồn thu nhập ổn định và một tư duy cởi mở về cuộc sống khi các vấn đề trong gia đình có thể giải quyết thông qua các nhà cung cấp dịch vụ. Quan trọng vẫn ở sự yêu thương, gắn kết, thấy hiểu giữa các thành viên trong gia đình. Mặt khác, đa số nam sinh viên tham gia phỏng vấn sẵn sàng hỗ trợ, phụ giúp người vợ tương lai những công việc trong gia đình. Họ cảm thấy đây là cách yêu thương, “yêu chiều” vợ mình.

Một vài kết luận

Kết quả phỏng vấn cho thấy, ít nhiều sự vận động và thay đổi trong quan niệm của cả hai giới hướng tới mục tiêu bình đẳng giới. Mặc dù, vẫn còn những quan điểm khuôn mẫu “đàn ông là trụ cột, đàn ông là phải biết kiếm tiền” hay “phụ nữ nên dành thời gian chính để nội trợ”. Thế nhưng, phần đông cho thấy sự phân vai này không còn cố đinh thuộc về giới nào. Trong gia đình, vẫn cần có sự phân công một người phụ trách chính và người còn lại hỗ trợ, đồng hành. Phần đông thanh niên sinh viên đều tán thành, chính sự đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau là cách họ thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu đối với người bạn đời của mình. Trong suy nghĩ của họ, đây chính là nền tảng của một gia đình bền vững và hạnh phúc. Như vậy, dù không thể hiện ra bằng bất kỳ câu nói nào, nhưng ẩn đằng sau những chia sẻ của thanh niên sinh viên, ta có thể thấy rõ quan điểm của họ “Nền tảng của gia đình hạnh phúc cần xuất phát từ bình đẳng giới trong gia đình”

Con đường tiến đến hạnh phúc và con đường tiến đến bình đẳng giới có nhiều điểm tương đồng. Nó đều xuất phát từ ý thức tự giác đảm đương và chia sẻ với nhau các trách nhiệm trong đời sống gia đình. Những ứng xử để đạt mục tiêu bình đẳng giới thường được định hướng và chi phối bởi mục tiêu hạnh phúc.

VŨ LONG KHÁNH