Vang mãi giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập

06/09/2023 11:32:33 +07:00

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân hân hoan chờ đón thời khắc lịch sử của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Dù đã trải qua hơn 2/3 thế kỷ, nhưng chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Người cũng như giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử.

Giá trị lịch sử hào hùng

Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Không những vậy, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khi chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến quân chủ tồn tại hàng nghìn năm ở Việt Nam.

Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tuyên ngôn Độc lập được coi là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán, uyển chuyển, thuyết phục.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776) và nhắc đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của nước Pháp (1791). Không chỉ dừng lại ở đó mà Người đã phát triển, nâng lên cái ý cốt lõi, nguyên tắc cơ bản của hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ.

Trên nền tảng và tiền đề đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào tháng Tám năm 1945 là bước đi tiếp trong sự phát triển của nhân loại, đồng thời cũng là cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã thực hiện.

Người đã kết thúc bản Tuyên ngôn với lời tuyên bố trịnh trọng với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Mặc dù hiện nay bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng toàn Đảng, toàn dân ta luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, ra sức thi đua, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường củng cố quốc phòng -an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững bình yên cho nhân dân.

Bản Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa thời đại sâu sắc

Bản Tuyên ngôn độc lập không những có giá trị lịch sử to lớn mà còn có ý nghĩa thời đại vô cùng sâu sắc. Về mặt lý luận, Tuyên ngôn độc lập đã chỉ ra quyền con người và quyền của dân tộc, đặc biệt là ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, đề cao và khẳng định quyền con người: “Mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Điều này càng chứng tỏ hơn vị lãnh tụ của chúng ta có tầm nhìn sâu rộng, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Chính sự suy rộng ra đã thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Điều đó động viên, khích lệ các nước trên thế giới đứng lên, liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình.

Bản Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử quan trọng, là cơ sở pháp lý khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam

Chúng ta có thể nhận thấy, bản Tuyên ngôn độc lập còn có ý nghĩa thời đại khi cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để bảo vệ đất nước. Độc lập tự do là khát vọng, là ý chí của đất nước và con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Lời tuyên bố vang lên như một lời thề thiêng liêng làm chấn động lòng người: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Cụm từ “Toàn thể dân tộc Việt Nam” thể hiện sức mạnh đại đoàn kết, triệu triệu con người Việt Nam kết thành một khối mà không thể một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục được! “Tự do hay là chết!”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành lại nên độc lập!”.

Điều này khẳng định thêm nữa ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn, xác định thái độ, trách nhiệm của mỗi người dân trước nguy cơ tồn vong của dân tộc. Vai trò của người dân có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn vong hay phát triển của một dân tộc. Qua đó để chúng ta, những thế hệ trẻ hôm nay thấy được triệu triệu con người Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Có thể thấy, với trí tuệ thiên tài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp nhưng có sự điều chỉnh và phát triển thể hiện quan điểm riêng của mình về quyền con người và trên thực tế, tinh thần ấy đã được thể hiện và khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay. Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại. Đồng thời, thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, khả năng dự báo của thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người dân cả nước vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cho dù năm tháng có trôi qua, nhưng tinh thần của Tuyên ngôn độc lập 2/9 vẫn đời đời bất diệt trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ con người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lí mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta nguyện trân trọng và vượt qua mọi khó khăn, thử thách để phấn đấu xây dựng mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh./.

Hoàng Thủy